Ngày 2/4, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, vừa ra văn bản khẩn cấp tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng.
Theo thống kê, tính đến ngày 31/3, Quảng Nam ghi nhận 282 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng 7,5 lần so với cùng kỳ năm 2020 và gấp 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2019) và số mắc đang cao thứ 3 khu vực miền Trung. Đặc biệt, địa phương này cũng ghi nhận một số ca bệnh tay chân miệng nặng, gây nguy hại rất lớn đến sức khỏe và tính mạng của trẻ nhỏ.
Theo Bác sĩ Huỳnh Thị Hoàng Diệp, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam, chỉ từ đầu năm đến nay đơn vị này đã ghi nhận 121 ca mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó, từ đầu tháng 3 tới nay, có thêm 100 ca bệnh. Trung bình mỗi ngày, Khoa Nhi truyền nhiễm của bệnh viện này tiếp nhận 1 - 2 ca, có nhiều ngày tiếp nhận 8 - 10 bệnh nhân.
Bệnh tay chân miệng ở Quảng Nam tăng 7,5 lần so với năm ngoái (Ảnh: X.C)
Trước tình hình này, tỉnh Quảng Nam yêu cầu các hệ thống y tế tuyến huyện theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, tham mưu kịp thời tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch; khống chế ca bệnh, không để bùng phát dịch.
Đồng thời, yêu cầu các địa phương nắm chắc tình hình dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn, tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị hạn chế tử vong, không để dịch bùng phát tại địa phương và thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để điều tra, xử lý ổ dịch kịp thời.
Được biết, bệnh tay chân miệng là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trẻ em 2 - 5 tuổi mắc bệnh tay chân miệng thường có các biểu hiện như nổi mụn nước, sốt, quấy khóc... Trong giai đoạn tuổi này, hệ miễn dịch của trẻ còn khá yếu nên dễ dàng bị nhiễm virus gây bệnh.
Bệnh lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các nốt bỏng, chất nôn, phân của người bệnh. Đặc biệt, bệnh tay chân miệng dễ lây lan ở những nơi đông trẻ như trường mẫu giáo, nhóm trẻ, do đó các cơ sở này cần tuân thủ nghiêm biện pháp giữ gìn vệ sinh.
Ngoài ra, cần cho trẻ ăn chín uống sôi, ở sạch, giữ bàn tay sạch, chơi đồ chơi sạch và thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.